Hiệu quả từ các mô hình xã nông thôn mới nâng cao ở Hà Nội

Tin tức

Hiệu quả từ các mô hình xã nông thôn mới nâng cao ở Hà Nội

  • 568
  • 0

Kiến tạo nên những làng quê đáng sống

Chương trình xây dựng nông thôn mới được bắt đầu trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011. Sau 4 năm, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã về đích nông thôn mới. Tới năm 2020, địa phương này tiếp tục trở thành một trong số ít xã ở Hà Nội cán đích nông thôn mới nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm.

Đến nay, dựa trên nguồn lực và sự quan tâm của huyện Gia Lâm và TP Hà Nội cùng với nguồn lực của địa phương, diện mạo xã Phù Đổng đang “thay da đổi thịt”. Hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông được đầu tư xây mới và nâng cấp. 100% trục đường chính, đường liên thôn được trải nhựa và bê tông hóa, có đèn chiếu sáng. Cơ sở hạ tầng hoàn thiện đã giúp tạo đà cho địa phương phát triển về mọi mặt, từ đời sống tinh thần, công trình phúc lợi, giáo dục đào tạo, đầu tư cho thế hệ tương lai càng được quan tâm.

Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết, trong thời gian tới, xã tập trung duy trì giữ vững và củng cố thành quả đạt được của các nhóm tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có thực hiện có hiệu quả các mô hình dự án kinh tế của địa phương; đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Phù Đổng đặt quyết tâm tới năm 2022 sẽ trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Hà Nội về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

Một trường hợp điển hình khác là xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ). Địa phương đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới của TP Hà Nội đánh giá đạt đủ các tiêu chí để Hội đồng thẩm định của thành phố xét, đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Nguyễn Duy Phố chia sẻ, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, xã đã phát động phong trào "Thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" tới các thôn, khu dân cư...

Sau 5 năm triển khai, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã đã huy động được hơn 10 tỷ đồng từ xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa, đường làng, ngõ xóm… Đặc biệt, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, làng quê xã Hợp Đồng đã khang trang, giàu đẹp hơn.

Tương tự, xã nông thôn mới nâng cao Liên Ninh (huyện Thanh Trì) cũng có diện mạo khác xa so với trước đây. Tất cả các tuyến đường từ trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ xóm trên địa bàn đều được trải nhựa hoặc đổ bê tông sạch sẽ, ô tô đi lại dễ dàng. Trên những nút giao thông trên trục đường xã, liên xã còn được bố trí hệ thống biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc, bảo đảm an toàn giao thông. Xã Liên Ninh cũng có 8/8 thôn có nhà văn hóa, sân thể thao và khuôn viên nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cộng đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt gần 65 triệu đồng/người/năm; dự kiến đến hết năm 2021, xã không còn hộ nghèo...

Trong câu chuyện về nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn có 19 tiêu chí như Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, song các tiêu chí đều yêu cầu cao hơn.

Ví dụ, với tiêu chí trường học, quy định cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Còn về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; các thôn có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho người già, trẻ em; có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng...

Ghi nhận ở các địa phương, cho thấy việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã tạo nên bước chuyển về “chất”, kiến tạo nên các làng quê nông thôn mới nâng cao “đáng sống” so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cách đây ít năm.

Tiền đề cho chặng đường mới

Hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới chính là tiền đề để tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Ba Vì phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023 và đến năm 2025; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Cổ Đô, Sơn Đà, Phú Phương, Tản Hồng, Thuần Mỹ, Ba Trại; phấn đấu có 4 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Thôn La Thiện thuộc xã Tản Hồng, thôn Tân Phong thuộc xã Phong Vân, thôn 4 thuộc xã Ba Trại và thôn Cổ Đô thuộc xã Cổ Đô.

Còn theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài. Huyện sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; phấn đấu "về đích" huyện nông thôn mới trong năm 2022.

Cùng với xây dựng nông thôn mới, Mỹ Đức sẽ chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn gắn với đặc thù, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, để nâng cao đời sống người dân, huyện sẽ thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vừa tạo việc làm, vừa giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, qua đó, tăng thu nhập cho nhân dân...

Tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài kinh phí trên, thành phố tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương. Mặt khác, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

  • Thăm đền thờ trên quê hương Phù Đổng Thiên Vương

    Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng hiện nay gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

  • Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

    Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

  • Truyền thuyết Thánh Gióng – Biểu tượng sức mạnh và đoàn kết dân tộc

    Người Việt Nam không ai là không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng, được xem là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Để tưởng nhớ và phát huy tinh thần trên, hàng năm, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ hội làng Phù Đổng rất long trọng.

  • Làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội)

    Làng Phù Đổng - một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Làng Phù Đổng cũng là nơi gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là ng­ười anh hùng làng Gióng, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức ngư­ời dân nơi đây, với nhiều di tích còn lại cho đến ngày nay, nh­ư đền Th­ượng (thờ Thánh Gióng), đền Hạ (đền Mẫu), miếu Ban (nơi thờ mẹ Gióng), Cố viên, Đống đàm (nơi Gióng trận đánh), Giá ngự, đình Hạ mã…

  • Xã Phù Đổng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô

    ANTD.VN - UBND thành phố đã có văn bản công nhận xã Phù Đổng, Gia Lâm là một điểm du lịch của Thủ đô. Tại quyết định số 4728/QĐ-UBND, UBND Thành phố giao UBND xã Phù Đổng có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.