Xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội): Khơi nguồn lực để phát triển du lịch

Tin tức

Xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội): Khơi nguồn lực để phát triển du lịch

  • 919
  • 0

Đi tìm thế mạnh

Nhiều năm trước, một số khu vực ở thôn Phù Dực 2 (xã Phù Đổng) còn là "ao tù nước đọng", cỏ mọc lút đầu người. Đất bỏ hoang không chỉ là sự lãng phí tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Từ năm 2015, Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Phù Đổng Xanh cùng Hợp tác xã (HTX) Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư đã cải tạo môi trường, đầu tư xây dựng, biến nơi đây trở thành Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, ban đầu, dự án được thực hiện với mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa và nuôi trùn quế công nghệ khép kín để bảo vệ môi trường, sử dụng đất hiệu quả. Nhận thấy nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm học tập cho học sinh, HTX Hiệp Thư đã xây dựng Khu sinh thái Phù Đổng Green Park nhằm phục vụ nhu cầu của các đối tượng khách. Tại đây có các khu chính: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh, Khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và Khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn. Khu sinh thái Phù Đổng Green Park góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm OCOP của xã.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển lâu dài, Phù Đổng đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng xã thành phường. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thế mạnh, tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phục vụ khách du lịch bằng các sản phẩm của địa phương.

Theo ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, từ đầu năm đến nay, xã đã chuyển đổi được 40ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh; triển khai mô hình trồng cà tại thôn Đổng Viên... Đây sẽ là những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Phù Đổng cùng với các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và Lễ hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO công nhận; tham quan Làng nghề hoa giấy Phù Đổng, đình Phù Dực, Công viên văn hóa, lịch sử và công nghệ Thánh Gióng...

Điểm du lịch của thành phố  

Mặc dù sở hữu khá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhưng theo đánh giá của Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, du lịch Phù Đổng chưa phát huy được thế mạnh do hệ thống tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả; quy mô cơ sở du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí và cơ sở lưu trú; cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động du lịch còn yếu và thiếu nên chưa thuận tiện cho khách du lịch tiếp cận các điểm đến trên địa bàn...

Năm 2020, huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch xã Phù Đổng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường. Để thực hiện các mục tiêu này, Phù Đổng sẽ tập trung xây dựng sản phẩm đặc trưng là du lịch văn hóa và du lịch tham quan, du lịch nông nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Phù Đổng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về môi trường, duy trì các tuyến đường hoa; xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái gắn với tham quan trải nghiệm; xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn tại các điểm di tích; ứng dụng công nghệ hiện đại vào quảng bá du lịch...

Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho biết, xã đang phối hợp với các phòng chức năng của huyện Gia Lâm và Sở Du lịch Hà Nội hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Phù Đổng là Điểm du lịch của thành phố Hà Nội. “Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng đưa Phù Đổng trở thành điểm đến hấp dẫn và đánh dấu tên Phù Đổng trên bản đồ du lịch Thủ đô”, ông Phùng Xuân Việt nói.

  • Thăm đền thờ trên quê hương Phù Đổng Thiên Vương

    Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng hiện nay gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

  • Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

    Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

  • Truyền thuyết Thánh Gióng – Biểu tượng sức mạnh và đoàn kết dân tộc

    Người Việt Nam không ai là không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng, được xem là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Để tưởng nhớ và phát huy tinh thần trên, hàng năm, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ hội làng Phù Đổng rất long trọng.

  • Làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội)

    Làng Phù Đổng - một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Làng Phù Đổng cũng là nơi gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là ng­ười anh hùng làng Gióng, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức ngư­ời dân nơi đây, với nhiều di tích còn lại cho đến ngày nay, nh­ư đền Th­ượng (thờ Thánh Gióng), đền Hạ (đền Mẫu), miếu Ban (nơi thờ mẹ Gióng), Cố viên, Đống đàm (nơi Gióng trận đánh), Giá ngự, đình Hạ mã…

  • Xã Phù Đổng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô

    ANTD.VN - UBND thành phố đã có văn bản công nhận xã Phù Đổng, Gia Lâm là một điểm du lịch của Thủ đô. Tại quyết định số 4728/QĐ-UBND, UBND Thành phố giao UBND xã Phù Đổng có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.