Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

Tin tức

Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

  • 1760
  • 0

Là một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.
Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Có thể nói đó là một trong những hình tượng đẹp đẽ và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt.

Hội làng Phù Đổng được người dân rất coi trọng, là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm.

Công việc chuẩn bị cho lễ hội Gióng được người dân tiến hành ngay từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 Âm lịch. Với các việc tập dợt chuẩn bị cho ngày chính của hội như tập luyện đánh trống, phất cờ,…
Việc tập luyện và chuẩn bị cho hội làng Phù Đổng rất quy củ, thường bắt đầu từ trước khi diễn ra lễ hội khoảng 1 tháng. Ðối với các ông Hiệu Trống, hiệu Chiêng, việc luyện tập phải luôn trong tư thế uy nghiêm, hùng dũng.

Khi đánh trống hoặc chiêng động tác phải mạnh, dứt khoát, lúc tiếng một, lúc đổ hồi, giữa tiếng trống với tiếng chiêng phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
Hội Gióng làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch.

Vào chính hội làng Phù Đổng, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng.
Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, hội làng Phù Đổng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh mô phỏng bức tranh chân thực đánh trận năm ấy.

Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia.

Chiến trường là 03 chiếc chiếu cói truyền thống, mỗi chiếu có 01 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 01 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm).
Hội trận mô phỏng trận chiến chống ngoại xâm của Thánh Gióng tại Hội làng Phù Đổng.
Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”.

Điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi.

Cuối Hội Gióng làng Phù Đổng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, hát chèo và các trò chơi dân gian.

Quân giặc được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Nghi lễ rước ngựa sắt trong Hội làng Phù Đổng.
Ngoài làng Phù Đổng, Hội Gióng còn được tổ chức ở đền Sóc, nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời, diễn ra trong 03 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm.

Hội làng Phù Đổng không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn được tổ chức theo hình thức hội trận độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010.

Nếu bạn là người yêu khám phá lịch sử dân tộc thì chắc chắn không thể bỏ lỡ cơ hội khám phá Hội Gióng.

  • Thăm đền thờ trên quê hương Phù Đổng Thiên Vương

    Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng hiện nay gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).

  • Hội Gióng - Lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng đánh thắng giặc Ân

    Sự hấp dẫn của Hội Gióng trước hết phải kể đến ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

  • Truyền thuyết Thánh Gióng – Biểu tượng sức mạnh và đoàn kết dân tộc

    Người Việt Nam không ai là không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng, được xem là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc. Để tưởng nhớ và phát huy tinh thần trên, hàng năm, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ hội làng Phù Đổng rất long trọng.

  • Làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội)

    Làng Phù Đổng - một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Làng Phù Đổng cũng là nơi gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là ng­ười anh hùng làng Gióng, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức ngư­ời dân nơi đây, với nhiều di tích còn lại cho đến ngày nay, nh­ư đền Th­ượng (thờ Thánh Gióng), đền Hạ (đền Mẫu), miếu Ban (nơi thờ mẹ Gióng), Cố viên, Đống đàm (nơi Gióng trận đánh), Giá ngự, đình Hạ mã…

  • Xã Phù Đổng được công nhận là điểm du lịch của Thủ đô

    ANTD.VN - UBND thành phố đã có văn bản công nhận xã Phù Đổng, Gia Lâm là một điểm du lịch của Thủ đô. Tại quyết định số 4728/QĐ-UBND, UBND Thành phố giao UBND xã Phù Đổng có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.