Đền Thượng

Địa điểm tham quan

Đền Thượng

  • 1832
  • 0

Đền Thượng còn gọi là Đền Gióng hay Đền Phù Đổng - Nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương. Đền Thượng nằm trên diện tích 26.581,2 mét vuông, thuộc địa phận thôn Phù Đổng 1. Theo truyền thuyết, Đền có từ thời Hùng Vương và được dựng trên nền nhà cũ của mẹ Gióng. Sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã sắc phong cho người anh hùng làng Gióng là Xung Thiên Đổng Thiên Vương Thánh Vị và cho tu bổ thêm nơi thờ tự này với tên gọi là điện Hiển Linh, đồng thời sắc lệnh cho chức sắc cùng dân chúng trong vùng hằng năm tổ chức hội trận Thánh Gióng để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn ngài, cấp cho dân 8 giáp 100 mẫu ruộng để lấy hoa lợi cầu cúng quanh năm.

Quần thể di tích Đền Thượng bao gồm thủy đình, ngũ môn, phương đình, hai nhà tiền tế và hậu cung. Trước sân Đền là Ao Rối rộng, nơi hằng năm diễn ra các trò chơi dân gian, tổ chức múa rối nước vào ngày hội. Nhà “Thủy đình” được xây dựng từ thời Lý, đến thời Lê được sửa lại. Qua sân gạch là đến Nghi môn, chính giữa phía trên án ngữ bức đại tự Thiên Thượng Thần. Hai bên là đôi rồng đá bề thế, khỏe khoắn; cùng đôi sư tử đá niên đại vào năm Ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh, tức năm 1705 dưới triều vua Lê Dụ Tông. Trong hậu cung 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có sáu tượng quan văn, quan võ, hai phỗng quỳ và bốn viên hầu cận “tứ trấn”.

Ngôi đền còn lưu giữ được 21 đạo sắc phong (trong đó đời Lê có 12 đạo, đời Tây Sơn có 3 đạo, đời Nguyễn có 6 đạo). Sắc có niên đại sớm nhất là sắc Đức Long năm thứ 5 (1634). Đền cũng còn nhiều hiện vật có giá trị như: chiếc ngai thờ từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) chạm trổ tinh vi; đôi chim mang nghệ thuật Trung Hoa do Đặng Thị Huệ cung tiến, bình hương, nghê đồng, hai thanh kiếm, câu đối do anh em thi hào Nguyễn Du cung tiến năm 1818...

Đền Thượng là một di tích nằm trong Khu di tích Đền Phù Đổng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

  • Chùa Kiến Sơ

    Chùa Kiến Sơ là tên tự của di tích, tên thường gọi theo địa danh làng là chùa Phù Đổng. Chùa Kiến Sơ hiện nay thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng.

  • Đền Phù Đổng

    Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - một vùng đất nằm kề bên tả ngạn sông Đuống.

  • Phù Đổng Green Park

    Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park nằm trên trục đường kết nối không gian tâm linh Đền Gióng, xã Phù Đổng với khoảng cách 500m, rất thuận tiện cho các hoạt động du lịch tâm linh.

  • Cánh đồng hoa cải xã Phù Đổng

    Vào thời điểm đầu tháng 12 là mùa hoa cải vàng nở rộ, cánh đồng hoa cải ở khu vực đê làng Phù Đổng nhuộm sắc vàng của hoa rất đẹp mắt. Rất nhiều bạn trẻ chọn đến những cánh đồng hoa cải để tham quan, ngắm hoa và chụp ảnh...

  • Nhà thờ Đặng Công Chất

    Nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất nằm ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Nơi đây được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên tài đức vẹn toàn.