Cánh đồng hoa giấy xã Phù Đổng

Địa điểm tham quan

Cánh đồng hoa giấy xã Phù Đổng

  • 2897
  • 0

Nằm ở phía Bắc huyện Gia Lâm, làng nghề hoa cây cảnh Phù Đổng là một vùng đất cổ trong hành lang “tam Cổ” (Cổ Loa, Cổ Pháp, Cổ Bi). Nhờ đó, Phù Đổng mang trong mình lớp trầm tích văn hóa được bồi lắng qua bao thế hệ với những phong tục, tập quán truyền thống phong phú.

Cùng với bề dày văn hóa, lịch sử, Phù Đổng còn sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch. Phù Đổng là quê hương của Thánh Gióng - một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tại đây hiện còn lưu giữ hệ thống di tích liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng với 10 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, gồm: di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban, đình Hạ Mã, bãi Soi Bia... “Linh hồn” của hệ thống di sản tại đây là hội Gióng (cùng với đền Sóc, huyện Sóc Sơn) đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010) và được đánh giá là “Bảo tàng văn hóa của Việt Nam lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng...”.

Xã Phù Đổng được hai dòng sông lớn là sông Hồng và sông Đuống quanh năm bồi đắp phù sa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với các làng nghề nổi tiếng như: làng nghề trồng hoa, cây cảnh thôn Phù Đổng; làng trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên; nghề chăn nuôi bò sữa tại thôn Phù Dực... Đây còn là quê hương của những món ăn dân dã mà tinh tế được gìn giữ, trao truyền qua bao thế hệ như: cơm cà của ông Gióng, bánh khoai, bánh tro... Đó là tiềm năng, lợi thế để Phù Đổng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó, nổi bật là du lịch văn hóa gắn với hệ thống di tích đền Phù Đổng, hội Gióng và du lịch sinh thái gắn với thương hiệu làng hoa giấy Phù Đổng.

Được hình thành cách đây hơn 20 năm, ban đầu, làng hoa giấy Phù Đổng chỉ có vài hộ theo nghề. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, khối óc con người cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính. Cả xã Phù Đổng có tới 500 hộ trồng hoa giấy cảnh, người người trồng hoa giấy, nhà nhà trồng hoa giấy. Không đơn thuần chỉ trồng hoa giấy theo cách truyền thống, người dân Phù Đổng đã nhanh nhạy lai tạo, uốn ghép thành nhiều kiểu dáng thích ứng với nhu cầu chơi hoa của thị trường. Nhìn một cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau như: đỏ, hồng, trắng, cam, tím… mọi người không khỏi ấn tượng với khả năng sáng tạo của người dân Phù Đổng. Họ còn uốn tỉa tạo dáng, tạo thế tròn, tay bông làm tăng thêm giá trị của cây. Điều đặc biệt hơn, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cho hoa nở quanh năm, bông to và sắc thắm.

Đến với làng hoa Phù Đổng, du khách được thỏa thích ngắm nhìn một không gian yên bình, lãng mạn, đủ sắc màu các loài hoa. Hoa bao trùm khắp xóm làng, hoa ngoài cánh đồng, hoa trong vườn, hoa trước cửa, hoa trang trí trong nhà. Đến tham quan làng hoa giấy Phù Đổng, được đắm mình trong một khuôn viên sinh thái thơ mộng, đầy ắp tình người, được ngắm chụp ảnh và khoe sắc cùng những bông hoa, mua sắm sản phẩm, sản vật làng quê và thưởng thức những món ẩm thực độc đáo của vùng quê ven sông Hồng là những trải nghiệm khó quên của du khách khi đến nơi đây.

Đến tham quan làng hoa giấy Phù Đổng, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có thể ngắm hoa và chụp ảnh thỏa thích. Đặc biệt, khi vào xuân, khí trời mát mẻ, muôn hoa bắt đầu đua nở. Cả làng hoa như ngập tràn trong muôn sắc thắm của nghìn hoa khoe sắc. Bên cạnh đó, khi đến làng hoa giấy Phù Đổng, du khách sẽ được ghé thăm những mô hình nhà vườn, được chiêm ngưỡng những tác phẩm hoa, cây cảnh với đa dạng kích cỡ, thế dáng đặc sắc, độc đáo, là hội tụ những tinh hoa của nghệ thuật và giá trị cao. Đó là cả quá trình, công sức được những bàn tay khéo léo của hàng trăm nghệ nhân làng nghề như phù phép, thổi hồn vào mỗi tác phẩm bằng tất cả tâm huyết yêu nghề, yêu cái đẹp của nghệ thuật. Không chỉ vậy, khi tới làng hoa giấy Phù Đổng, du khách còn được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, sự rèn luyện kham khổ và ý chí kiên trì thông qua những tác phẩm. Những tác phẩm đó có thể phải trải qua rất nhiều năm tháng, cũng có thể đồng hành theo suốt cả cuộc đời của những người đã cống hiến cho nghệ thuật cây cảnh. Những tác phẩm hoa, cây cảnh được tạo tác theo thế tự nhiên như: cây dáng đổ, dáng trực, dáng hoành, dáng huyền… và theo các thế cây như: thế phụ tử nghinh phong, thế ngũ phúc, thế mẫu tử, phụ tử, thế huynh đệ…

Người Phù Đổng luôn có tinh thần cởi mở, hiếu khách, ham học hỏi và chủ động truyền lại nghề cho người dân trong và ngoài xã. Vì vậy, những người thợ làm nghề trồng hoa giấy đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc để nhận chế tác, thiết kế, chăm sóc cây công trình, tác phẩm nghệ thuật của các gia đình. Những ngày cuối năm, làng Phù Đổng nổi bật trong không gian bát ngát của những vườn hoa sắc thắm, cây cảnh, cây thế, bonsai chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân đê. Người làng nghề tất bật trong những gánh cây cảnh dọc đường đê là những ấn tượng khó có thể nào quên cho du khách khi tới nơi đây. Màu xanh của cây, sắc màu của các loại hoa như làm tan biến đi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Và có lẽ, cũng chính những sắc xanh này không chỉ làm đẹp cho khung cảnh làng quê, mà còn tạo ra những sản phẩm, cây cảnh đem lại giá trị kinh tế cao và những tác phẩm nghệ thuật cây cảnh mang đậm nét văn hóa của làng nghề truyền thống Phù Đổng.

Vào tháng 11/2020, xã Phù Đổng đã nhận được quyết định công nhận "Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng". Đây là niềm vinh dự, tự hào của bà con trồng hoa giấy xã Phù Đổng.

  • Chùa Kiến Sơ

    Chùa Kiến Sơ là tên tự của di tích, tên thường gọi theo địa danh làng là chùa Phù Đổng. Chùa Kiến Sơ hiện nay thuộc thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng.

  • Đền Phù Đổng

    Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - một vùng đất nằm kề bên tả ngạn sông Đuống.

  • Phù Đổng Green Park

    Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park nằm trên trục đường kết nối không gian tâm linh Đền Gióng, xã Phù Đổng với khoảng cách 500m, rất thuận tiện cho các hoạt động du lịch tâm linh.

  • Cánh đồng hoa cải xã Phù Đổng

    Vào thời điểm đầu tháng 12 là mùa hoa cải vàng nở rộ, cánh đồng hoa cải ở khu vực đê làng Phù Đổng nhuộm sắc vàng của hoa rất đẹp mắt. Rất nhiều bạn trẻ chọn đến những cánh đồng hoa cải để tham quan, ngắm hoa và chụp ảnh...

  • Nhà thờ Đặng Công Chất

    Nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất nằm ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Nơi đây được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII để tưởng nhớ công ơn của Trạng nguyên tài đức vẹn toàn.